Máy tính bị nhiễm virus quảng cáo là việc mà không một người dùng nào mong muốn sẽ xảy ra với mình. Tuy nhiên, thực tế thì không người dùng nào là không đứng trước nguy cơ bị loại virus này tấn công nếu từng thực hiện cài đặt những phần mềm, file miễn phí trên mạng. Vậy nếu bị nhiễm virus quảng cáo thì xử lý thế nào? Tìm hiểu ngay sau đây.
Virus quảng cáo là gì?
Virus quảng cáo là cách gọi chung của các trojan, sâu máy tính hoặc các mã độc gây ra nhiều phiền toái. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng chúng chỉ là những mẫu quảng cáo vô bổ mà chúng ta thường bắt gặp mỗi khi lướt web. Tuy nhiên, có nhiều loại virus quảng cáo là những phần mềm độc hại có thể chạy quảng cáo ngầm ở máy tính ngay cả khi máy không hề được kết nối mạng internet.
Một khi máy tính được kết nối với mạng thì chúng sẽ sinh ra các hộp quảng cáo (có thể chứa những nội dung nhạy cảm) không thể tắt hoặc những tab trình duyệt mở ra liên tục. Không chỉ gây khó chịu cho trải nghiệm duyệt web, virus quảng cáo có thể điều hướng máy tính đến một vài trang web độc hại, lưu trữ các dữ liệu cá nhân của người dùng. Nghiêm trọng nhất là khi chúng đánh cắp tài khoản ngân hàng cũng như các tài khoản, mật khẩu khác mà người dùng lưu trên máy tính.
Virus quảng cáo tại sao lại có?
Lý do phổ biến nhất khiến người dùng bị nhiễm virus quảng cáo đó là khi thực hiện tải và cài đặt một file (thường là đuôi exe) miễn phí, không rõ nguồn gốc trên mạng về máy tính cá nhân. Các file cài đặt này thường sẽ đính kèm virus và nếu không thông thạo hoặc không để ý thì chúng sẽ xâm nhập vào máy tính của bạn trong quá trình cài đặt.
Ngoài ra, virus quảng cáo còn có thể ở những dạng như:
- Popup tự động với nội dung thiệp chúc mừng, thông báo may mắn: Có phải bạn đã từng lướt web và vô tình thấy một hộp thoại như này mở ra: “ Xin chúc mừng! Bạn là một trong số những người may mắn nhất hôm nay trúng thưởng phần quà xxx, hãy bấm vào đây để nhận giải…”. Đây là kiểu “hóa trang” rất phổ biến của các nội dung có chứa virus đánh vào sự tò mò của người dùng internet. Nếu vô tình bắt gặp những “hộp may mắn” tương tự thì đừng dại mà bấm vào nhé!
- Hình ảnh khiêu dâm, gây tò mò: Cái này thì chúng ta có lẽ gặp rất nhiều, nhưng nhiều người (nhất là cánh mày râu) vẫn tò mò thì lỡ click xem thử thì khả năng nhiễm virus là rất cao.
- Quảng cáo chi chít trên các website không rõ nguồn gốc: Rất nhiều trang web, đặc biệt là các web xem phim, nghe nhạc “lạ hoắc” nhưng có rất nhiều quảng cáo hiển thị chen chúc nhau. Đây chính là “ổ” virus quảng cáo mà bạn cần dè chừng.
- Quảng cáo bằng tiếng nước ngoài: Rất cân nhắc khi bấm vào bất cứ quảng cáo nước ngoài hoặc một ảnh có chữ nước ngoài vì đây cũng là một trong những phương thức thông dụng để lây nhiễm virus.
Virus quảng cáo có những đặc điểm như thế nào?
- Chúng có thể “giả danh” hoặc núp dưới một phần mềm diệt virus miễn phí, chạy ngầm trong máy và ngấm ngầm chiếm dữ liệu của bạn để đào tiền quảng cáo hoặc đào coin.
- Bạn không thể gỡ bỏ virus quảng cáo bằng cách gỡ một chương trình máy tính thông thường vì nó sẽ thường không hiện “chềnh ềnh” trong control panel cho bạn nhìn thấy.
- Virus quảng cáo thường sẽ vô hiệu hóa các file hệ thống để bạn không thể xóa nó một cách triệt để được.
- Mặc dù bạn cài đặt lại trình duyệt thì cũng không gõ được hết virus quảng cáo ra khỏi máy.
- Phần lớn phần mềm diệt virus chỉ có thể chặn chứ không gỡ được virus quảng cáo.
Khi máy tính bị nhiễm virus quảng cáo thì sẽ có hiện tượng gì?
- Máy tính bị lag, đơ, hoạt động chậm hơn bình thường vì virus chạy ngầm gây ngốn tài nguyên CPU và RAM.
- Phần mềm bị lỗi hoặc tự cài đặt vài ứng dụng lạ hoắc: Virus quảng cáo sẽ xóa file ứng dụng có trong máy tính và khiến máy thường hay bị lỗi trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, nếu có phần mềm nào đó xuất hiện mà bạn không hề cài thì chính là “sản phẩm” của những con virus này.
- Tự động xóa phần mềm: Một vài ứng dụng như unikey, zalo… ở trong máy tính mà tự nhiên biến mất dù bạn không xóa thì chứng tỏ máy tính của bạn đã bị nhiễm một loại virus quảng cáo nào đó rồi.
- Tự nhảy tab khi bạn đang duyệt web: Nếu bạn đang lướt web mà đột ngột bị chuyển hướng sang một trang website lạ nào đó thì 99% là máy tính của bạn đã nhiễm virus quảng cáo rồi!
Cách xử lý khi máy tính bị nhiễm virus quảng cáo
Bước 1: Đăng xuất khỏi các tài khoản quan trọng được lưu trong máy tính
Ngay sau khi phát hiện máy tính bị nhiễm virus quảng cáo, hãy thoát ra khỏi tất cả các tài khoản quan trọng (tài khoản ngân hàng, trang web cá nhân/công ty, facebook, email…).
Bước 2: Ngắt kết nối mạng internet ngay
Khi cách ly khỏi internet, virus sẽ có ít cơ hội hơn để gây nguy hiểm cho máy tính của bạn và bạn có thể tận dụng khoảng thời gian này để xử lý chúng tốt hơn.
Bước 3: Sao lưu lại các dữ liệu quan trọng
Sao lưu các tài liệu, dữ liệu của bạn sang ổ đĩa, USB khác để phòng tránh tổn thất. Lưu ý rằng USB của bạn cần phải đảm bảo rằng nó an toàn, đã được quét virus cẩn thận.
Bước 4: Tiêu diệt virus quảng cáo
Đây có lẽ là bước gây hồi hộp nhất. Để diệt tận gốc các loại virus quảng cáo, bạn hãy cài các phần mềm diệt virus có bản quyền như Kaspersky, Avast, Mcafee… hoặc dùng một số phần mềm chuyên diệt virus quảng cáo như HitmanPro hoặc ADWCleaner.
Bước 5: Cài tiện ích chặn quảng cáo, addon
Để tăng phần an toàn hơn cho máy tính của bạn trước virus quảng cáo, hãy cài tiện ích và addons trên chính trình duyệt bạn đang sử dụng. Ngoài ra, không click vào các đường link lạ trên website chính là cách hiệu quả nhất để không bị nhiễm virus quảng cáo.
Trên đây là những thông tin xoay quanh đến vấn đề máy tính bị nhiễm virus quảng cáo, cách nhận biết và đối phó với vấn đề này. Mong rằng Wifi VNPT đã chia sẽ cho bạn 1 bài viết bổ ích. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!